Người già ngủ nhiều – Gia đình không nên chủ quan!

240
Người già ngủ nhiều - Gia đình không nên chủ quan!

Thông thường, người cao tuổi (ngoài 60 tuổi) hay bị khó ngủ, ngủ ít hơn vào buổi đêm. Tuy nhiên, nếu các gia đình thấy ông bà, bố mẹ của mình ngủ nhiều hơn, ngủ liên tục thì không nên chủ quan. Vậy hiện tượng người già ngủ nhiều xuất phát từ nguyên do chính xác là gì? Có điều gì đáng lo ngại?

Contents

Vì sao người cao tuổi không nên ngủ nhiều?

Theo các chuyên gia, giấc ngủ hợp lý ở người cao tuổi chỉ nên kéo dài trung bình 4 đến 8 giờ mỗi đêm. Đương nhiên giấc ngủ là giấc ngủ sâu, không bị gián đoạn, không gặp ác mộng, khi tỉnh dậy người cao tuổi thấy tỉnh táo, cơ thể khỏe mạnh.

Người già ngủ nhiều không tốt cho sức khỏe. Tại Hoa Kỳ, một nghiên cứu về giấc ngủ và tai biến tim mạch đã được thực hiện ra cho kết quả ngạc nhiên rằng những người bước qua độ tuổi trung niên, nhóm từ 50 đến 59 tuổi ngủ 10 giờ mỗi đêm có tỷ lệ tử vong cao gấp 4 lần những người duy trì giấc ngủ trong 7 giờ như bình thường.

Người già ở nhóm tuổi từ 60 đến 69 tuổi ngủ 10 giờ mỗi đêm có tỷ lệ tai biến về tim mạch cao gấp đôi người ngủ 7 – 8 giờ hàng ngày. Nguyên do được xác định là do người cao tuổi ngủ nhiều, ít vận động, không có nhiều việc cần đến vận động tay chân nên dễ bị xơ vữa động mạch. Bệnh này là yếu tố nguy cơ thúc đẩy các bệnh tim mạch nguy hiểm như tai biến mạch máu não, thiếu máu cơ tim, cao huyết áp.

Như vậy, đối với người cao tuổi, dù giấc ngủ quá ít, hoặc quá nhiều đều không phải là một tín hiệu mừng. Gia đình nên có phương án chăm sóc sức khỏe và cải thiện giấc ngủ hợp lý hơn cho người già.

Người cao tuổi ngủ nhiều không phải là một tín hiệu tốt
Người cao tuổi ngủ nhiều không phải là một tín hiệu tốt

Nguyên nhân khiến nhiều người già ngủ nhiều?

Nhiều người không hiểu tính nguy hiểm của việc ngủ nhiều trong độ tuổi người già nên khi thấy ông bà, bố mẹ ngủ nhiều hơn thường ngày thì thấy phấn khởi, hoặc luôn khuyến khích người già trong nhà nghỉ ngơi, ngủ nghỉ nhiều hơn. Vậy các bạn có biết, người già ngủ nhiều có thể xuất phát từ những nguyên nhân dưới đây:

Trầm cảm

Trầm cảm là chứng bệnh rất dễ gặp phải ở người già. Đây là một trong những nguyên nhân điển hình khiến người cao tuổi thường xuyên gặp vấn đề về giấc ngủ. Bệnh này khiếp người già luôn trong trạng thái mệt mỏi, chán ăn, lười giao tiếp, lười hoạt động, rối loạn giấc ngủ và tâm lý, buồn chán thất thường… Đa phần các trường hợp người cao tuổi đều không được phát hiện sớm triệu chứng và không được điều trị kịp thời.

Mất hứng thú với cuộc sống

Người cao tuổi ngủ nhiều có thể do bản thân người đó cảm thấy không có điều gì thú vị trong cuộc sống. Họ cảm thấy mọi thứ nhàm chán, không có hứng thú với mọi sự việc, con người xung quanh và thường thu mình, ít chia sẻ, nằm nhiều và ngủ nhiều hơn.

Đây là nguyên nhân về tâm lý, khi người già cảm thấy mình không được quan tâm cả về thể chất, cảm xúc và tinh thần. Tình trạng này kéo dài gây ra hậu quả điển hình là rối loạn giấc ngủ, họ thường ngủ nhiều vào ban ngày, còn buổi đêm lại mất ngủ, ngủ không sâu giấc.

Người già ngủ nhiều xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau
Người già ngủ nhiều xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau

Do tác dụng phụ của thuốc

Người già thường mắc một số bệnh lý và phải dùng thuốc điều trị. Trong số đó, có không ít loại gây tác dụng phụ, điển hình là khiến người bệnh buồn ngủ và ngủ nhiều hơn. Một số thuốc điều trị thường gây tác dụng phụ này gồm thuốc điều trị bệnh Parkinson, thuốc điều trị bệnh tim mạch, thuốc kháng histamin…

Sa sút trí tuệ

Người già ngủ nhiều nhưng lại ngủ nhiều vào buổi ngày, buổi đêm ít ngủ, ngủ gián đoạn không sâu giấc thì rất có thể là dấu hiệu của sa sút trí tuệ, còn gọi là rối loạn trí nhớ.

Người cao tuổi mắc chứng sa sút trí tuệ có biểu hiện giấc ngủ bất thường, điều này là do não bộ mất kiểm soát sự thay đổi giấc ngủ. Hiện tượng này thể hiện rõ hơn ở những người già mắc bệnh Alzheimer.

Có khối u não

Nếu người già thường xuyên phàn nàn bị đau đầu trong thời gian dài, và có biểu hiện ngủ nhiều hơn bình thường thì gia đình nên cảnh giác, đưa người già đi khám sớm vì có nguy cơ bị u não. Bên cạnh dấu hiệu ngủ thường xuyên, người bị u não còn xuất hiện các triệu chứng khác như chóng mặt, buồn nôn, co giật, dễ ngất xỉu.

Từ những thông tin chia sẻ ở trên, bạn đọc nên lưu tâm hơn khi thấy người cao tuổi trong nhà trở nên ngủ nhiều hơn bình thường. Giải pháp tốt nhất là khám sức khỏe tổng quát thường xuyên để phát hiện kịp thời vấn đề và có phương án điều trị hợp lý. 

Xem thêm: Chăm trẻ – Không nên cho trẻ ăn nhiều những loại thực phẩm này

2.5/5 - (2 bình chọn)