Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều trường đại học trên cả nước đã đề xuất phương thức xét tuyển học bạ để giữ an toàn cho cộng đồng cũng như giảm thiểu chi phí cho hoạt động tổ chức thi cử. Tuy nhiên đề xuất này lại dấy lên lo ngại về chất lượng đầu vào cho chính những trường đó.
Xét tuyển đại học theo học bạ THPT
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn vô cùng phức tạp và diễn biến khó lường trên cả nước, thì việc một số trường đại học có điểm chuẩn không quá cao đề xuất tuyển sinh bằng hình thức xét điểm học bạ THPT là tín hiệu mừng cho nhiều thí sinh.
Nhiều người cũng ủng hộ đề xuất này bởi có thể đảm bảo được an toàn trong thời buổi dịch căng thẳng, chi phí tổ chức các hội đồng thi, ra đề thi sẽ được giảm thiểu. Và đặc biệt, đây là những tấm vé “chắc nịch” cho những bạn học lực khá, không quá xuất sắc vượt trội ở bất kỳ nhóm môn học nào.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình thì vẫn còn nhiều người bày tỏ sự lo ngại về phương thức xét tuyển học bạ này.
TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho biết, các trường đại học có quyền lựa chọn nhiều phương thức tuyển sinh. Nếu công tác đánh giá học sinh ở bậc phổ thông được triển khai một cách khách quan, chính xác đúng năng lực thì phương thức xét tuyển này có nhiều tiện lợi.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác này ở rất nhiều trường THPT trên cả nước chưa đảm bảo tính trung thực, có tình trạng lạm phát điểm gây thiệt thòi cho nhiều trường đánh giá sát sao khả năng của thí sinh. Chưa kể có không ít trường hợp thầy cô nâng điểm cho học sinh qua “nhờ vả” để trò có cơ hội trúng tuyển nếu trường đại học xét tuyển bằng học bạ.
Vì thế, TS Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ rằng phương thức xét tuyển này không chuẩn, khó đạt hiệu quả bởi chưa hề có bảng quy chuẩn trong đánh giá năng lực học sinh phổ thông.
Bất cập cho trường đại học và Bộ giáo dục nhưng có vẻ như phương thức này lại là mối quan tâm đặc biệt của nhiều thí sinh và phụ huynh. Điển hình có thể kể đến trường Đại học sư phạm kỹ thuật TPHCM, số lượng đăng ký xét tuyển bằng hình thức điểm học bạ đã trên 40.000 thí sinh.
Phương thức xét tuyển học bạ này đa phần vẫn chỉ nằm ở các trường không quá nổi bật, có điểm đầu vào qua các năm ở mức trung bình. Nhiều trường đại học top đầu như Đại học Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân vẫn có phương thức tuyển sinh riêng để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Tuyển sinh đại học ở Việt Nam cách xa chuẩn thế giới
Nhiều chuyên gia trong ngành Giáo dục nước ta chia sẻ rằng, phương thức tuyển sinh đại học ở Việt Nam tuy nhiều nhưng lại quá đơn giản, không thể khai thác chọn lọc tốt sinh viên tiềm năng mà chỉ dựa vào những cuộc thi phổ thông mang tính lý thuyết.
Xu hướng tuyển sinh trên thế giới hiện nay kết hợp nhiều tiêu chí để đánh giá một thí sinh có phù hợp để theo học và được đào tạo tại môi trường trường đại học nào đó hay không. Bên cạnh các chứng chỉ về ngoại ngữ, học bạ, thí sinh còn phải có các chứng chỉ độc lập, tham gia phỏng vấn trực tiếp, tham gia làm bài luận…
Nếu phụ huynh, học sinh phàn nàn cho rằng phương thức xét tuyển của thế giới quá phức tạp, rắc rối thì cần nhìn nhận thực tế về việc số sinh viên Việt Nam ra trường, thất nghiệp, làm sai chuyên môn hoặc bị đào thải sớm khi đi làm là rất lớn.
Trong khi Việt Nam đang có những bước đi “đầu đời” trong việc hình thành các tổ chức đánh giá độc lập thì các chứng chỉ quốc tế nổi tiếng như ACT và SAT lại đang bị loại bỏ dần vì không còn “đủ trình” để làm thang điểm đánh giá năng lực của thí sinh.
Nhìn chung việc định hướng tuyển sinh vào đại học bằng phương thức xét tuyển học bạ đem tới niềm vui, hy vọng cho nhiều bạn học sinh muốn trở thành sinh viên đại học chính quy nhưng vấn đề này vẫn còn rất bất cập. Cách tốt nhất để bản thân không bị đào thải khỏi xã hội chính là các bạn nên tự rèn luyện phấn đấu để không bị đào thỏi trước bất kỳ hình thức thi đại học nào.