
Basedow là chứng bệnh rất nhiều người mắc phải, được đánh giá là bệnh nguy hiểm đối với hệ tim mạch, cần sớm được xử lý điều trị nếu không muốn có nhiều biến chứng. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về bệnh basedow thông qua thông tin chia sẻ dưới đây.
Contents
Bệnh Basedow là bệnh gì?
Basedow là một dạng bệnh nội tiết, cường giáp phổ biến, với đặc trưng nổi bật nhất là biểu hiện bướu giáp lan tỏa và hội chứng cường giáp không ức chế được – triệu chứng điển hình là lồi mắt. Theo thống kê, basedow chiếm hơn 90% trường hợp cường giáp hiện có.
Bệnh này xuất hiện nhiều hơn ở nữ giới, chiếm đến 80% tổng số các trường hợp, và đa phần nằm ở độ tuổi từ 20 đến 25. Bệnh này cũng dễ xuất hiện nếu trong tiền sử gia đình có thành viên bị bệnh tuyến giáp.
Các bác sĩ chuyên môn cho biết basedow rất nguy hiểm cho hệ tim mạch. Nếu người bệnh không điều trị kịp thời và đúng cách rất dễ dẫn tới biến chứng bão giáp, làm tăng nguy cơ tử vong trong tình trạng suy tim.

Nguyên nhân gây bệnh Basedow
Basedow xảy ra khi tuyến giáp hoạt động quá mức, hay còn gọi là cường giáp, gây ra bởi rối loạn tự miễn dịch. Đây là nguyên nhân chính gây bệnh Basedow.
Ngoài ra, bệnh này cũng mang tính di truyền, với khoảng 15% số người bệnh có họ hàng cùng mắc basedow. Các yếu tố từ môi trường như căng thẳng cực độ, nhiễm trùng, hoặc người mắc các chứng rối loạn khác như tiểu đường loại 1, viêm khớp dạng thấp… cũng có khả năng kích hoạt sự phát triển của bệnh Basedow.
Bệnh Basedow có triệu chứng như thế nào?
Như đã nói ở trên, Basedow là căn bệnh thường gặp nhất ở phụ nữ trẻ trong độ tuổi 20 – 25, có thể xuất hiện đột ngột hoặc tiến triển từ từ gây ra nhiều mệt mỏi với các triệu chứng rõ rệt:
Triệu chứng cơ năng
- Gầy, sút cân dù ăn uống đầy đủ, hoặc có người lại có biểu hiện tăng cân.
- Rối loạn tinh thần, cảm xúc.
- Thân nhiệt rối loạn, cơ thể thường cảm giác nóng bừng, sợ nóng, hay vã mồ hôi.
- Rối loạn tiêu hóa
- Biểu hiện tim mạch – đánh trống ngực, hay hồi hộp, dễ có cảm giác nghẹt thở.
Triệu chứng thực thể
- Cơ tay chân yếu, đi lại, vận động khó khăn, nhất là cảm giác ở gốc chi.
- Các mạch máu cảm giác đập mạnh, nhanh hơn.
- Tim đập nhanh ngay cả khi đang nghỉ ngơi.
- Tăng phản xạ gân xương.
- Có dấu hiệu suy tim.
Bướu giáp
Đa phần bệnh nhân bị bệnh basedow đều có biểu hiện mắc bướu giáp, bướu có xu hướng lan tỏa, to phồng gây mất thẩm mỹ ngoại hình, sờ vào cảm thấy mềm hoặc chắc, khi nuốt sẽ thấy có sự di chuyển.
Bệnh mắt nội tiết
Có khoảng 40 – 60% bệnh nhân bị bệnh Basedow có triệu chứng biểu hiện ở mắt, thường là thương tổn ở cả 2 mắt. Dấu hiệu điển hình là lồi mắt, hở khe mi mắt, mi mắt nhắm không kín.
Bệnh da
Triệu chứng này xuất hiện ở khá ít bệnh nhân, với biểu hiện lâm sàng là phù niêm trước xương chày, móng tay ngắn lại, giường móng tay dài ra.
Ai dễ mắc bệnh Basedow?
Theo các chuyên gia, một số yếu tố có thể khởi động đáp ứng miễn dịch, khiến những ai mang các yếu tố này đều trở thành đối tượng dễ mắc bệnh Basedow:
- Phụ nữ mang thai, nhất là sau khi sinh
- Ăn quá nhiều iod
- Nhiễm khuẩn, nhiễm virus
- Mọi nguyên nhân gây stress kéo dài
- Ngưng điều trị corticoid
- Điều trị Lithium

Biện pháp phòng ngừa bệnh Basedow
Basedow là loại bệnh lý liên quan trực tiếp đến rối loạn tự miễn dịch, do đó, người đã từng bị basedow, hoặc người bị phát hiện mắc bệnh basedow cần chủ động thực hiện những biện pháp tích cực để giảm nguy cơ tái phát hay phát triển theo chiều hướng nặng hơn:
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường tập luyện thể dục thể thao lành mạnh để nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng, điều hòa hệ miễn dịch.
- Không nên hút thuốc lá, tránh xa nơi có mùi khói thuốc.
- Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều iod, không nên sờ nắn nhiều vùng cổ.
- Nếu phát hiện bệnh thì nên điều trị dứt điểm sớm trước khi mang thai, bởi thai sản là 1 trong những yếu tố nguy cơ khiến bệnh trở nặng.
- Tuân thủ các khuyến cáo, khuyến nghị trong điều trị bệnh.
Biện pháp điều trị bệnh Basedow
Hiện nay, việc điều trị bệnh Basedow được thực hiện chủ yếu bằng 3 phương pháp chính là xạ trị, nội khoa và phẫu thuật cắt bỏ gần hoặc toàn bộ tuyến giáp.
Điều trị nội khoa: Áp dụng với bệnh nhân mới được phát hiện basedow, tuyến giáp to vừa và không có nhân basedow. Quá trình điều trị sử dụng chủ yếu 3 loại thuốc kháng giáp gồm PTU, Methimazole và Carbimazole.
Điều trị xạ trị: Sử dụng phương pháp phóng xạ trị IOD 131 nhằm làm bướu tuyến giáp nhỏ lại, khôi phục dần chức năng tuyến giáp. Biện pháp này chống chỉ định với trẻ em, phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú.
Điều trị ngoại khoa: Áp dụng với bệnh nhân có tuyến giáp to gây mất thẩm mỹ, hoặc khi có biến chứng khó thở. Nguyên tắc điều trị là cắt bỏ gần toàn bộ tuyến giáp, giữ lại 1 phần nhỏ khoảng 3 – 6gr để duy trì chức năng tạo Hormone.
Trên đây là toàn bộ thông tin về bệnh Basedow cho bạn đọc đang quan tâm. Nếu phát hiện bản thân có dấu hiệu bị bệnh này, hãy đi khám tại bệnh viện để có phương án điều trị phù hợp nhất nhé.